Nếu bạn luôn quan tâm đến môi trường sống, đến sức khỏe cộng đồng và muốn đóng góp sức mình để bảo vệ môi trường nhưng còn băn khoăn về cơ hội việc làm thì đừng ngần ngại đăng kí theo học ngành này. Bởi các ngành học về Môi trường là một lựa chọn khá phù hợp với định hướng nghề nghiệp trong tương lai khi mà kinh tế - xã hội ngày càng phát triển với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa kéo theo những hệ lụy về môi trường mà chúng ta phải đối mặt. “Môi trường” ở Việt Nam bây giờ đang là một hiện tượng xã hội được nhiều người nhắc đến. Ngành ngành, nhà nhà cần nó, nói đến nó, đầu tư cho nó, nghĩa là chỗ nào cũng có sự tồn tại của nó. Rất nhiều việc phải làm: đường xá thường xuyên tắc, bụi bẩn, ô nhiễm khắp nơi”. Do đó, xã hội đang cần những kỹ sư tư vấn giúp các công ty, doanh nghiệp xử lý nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm, tạo môi trường sống lành mạnh cho người dân. Đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao và số lượng nhiều. Vì vậy, xu hướng sắp tới, Môi trường đang trở thành ngành học được đảm bảo đầu ra, thu hút không ít bạn trẻ. Vậy ngành Khoa học môi trường là gì? Học những gì? Có dễ xin việc không? Tất cả sẽ được trả lời qua bài viết dưới đây.
1- Ngành Khoa học môi trường là gì?
Khoa học môi trường (tiếng Anh là Environmental Science) là ngành học đào tạo nên những kỹ sư làm việc trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường và Quản lý tài nguyên thiên nhiên. Công việc của kỹ sư ngành khoa học môi trường là rất cấp thiết bởi môi trường đang suy thoái và ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng.
Ngành Khoa học môi trường nghiên cứu về nguồn gốc, phản ứng, vận chuyển và chuyển hóa của các chất trong môi trường, ngoài ra còn có nghiên cứu về ảnh hưởng của các hoạt động do con người tác động tới môi trường bao gồm đất, nước, không khí và các sinh vật sống.
Mục đích của ngành Khoa học môi trường là bảo vệ và cải thiện môi trường sống của con người
Khoa học môi trường chính là cơ sở lý thuyết quan trọng giúp chúng ta có thể thực nghiệm và tìm ra các công cụ xử lý môi trường phù hợp, cũng chính là định hướng phát triển chung của thế giới trong lĩnh vực môi trường.
Thông qua chương trình đào tạo ngành Khoa học môi trường, các bạn có thể được đào tạo để có đủ năng lực tổ chức và thực hiện các biện pháp kỹ thuật, quản lý, tư vấn và thiết kế công nghệ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trực tiếp từ sự phát triển kinh tế – xã hội tới môi trường thiên nhiên.
2- Ngành Khoa học môi trường học những gì?
Khi học chuyên ngành Khoa học môi trường, sinh viên sẽ được cung cấp đầy đủ kiến thức về xử lý nước thải, nước cấp, chất thải rắn, khí thải; Vận hành hệ thống xử lý chất thải; kỹ thuật phân tích mẫu; năng lượng sạch; các giải pháp sản xuất sạch hơn; Đánh giá tác động môi trường của các dự án; các phương thức hoạch định, tổ chức, kiểm soát dự án môi trường; các quy trình Giám sát An toàn - Sức khỏe - Môi trường (HSE), ISO, OHSAS…
Đây được xem là ngành học được đào tạo theo hướng ứng dụng. Bên cạnh học lý thuyết tại giảng đường, sinh viên được thực hành thực tế tại hệ thống các phòng thí nghiệm, phòng máy tính của trường. Đặc biệt, sinh viên được đi thực tế và thực tập tại các công ty, doanh nghiệp liên quan đến ngành nghề nhằm sớm tiếp cận với công việc thực tiễn. Trình độ tiếng Anh chuyên ngành được chú trọng giúp mở rộng cơ hội công việc tại các công ty đa Quốc gia và các tổ chức Phi chính phủ.
Bên cạnh đó, sinh viên được hướng dẫn cách phân tích hiện trạng và đề xuất các biện pháp giải quyết các vấn đề về ô nhiễm, đánh giá tác động môi trường, phát triển các giải pháp công nghệ, kỹ thuật trong xử lý ô nhiễm cho từng loại chất thải dạng rắn, lỏng, khí… Ngoài ra, một phần không thể thiếu trong chương trình học là khối kiến thức về luật và chính sách tài nguyên môi trường để đảm bảo sinh viên ra trường có đầy đủ hành trang phục vụ tốt cho công việc.
3- Cơ hội nghề nghiệp ngành Khoa học môi trường hiện nay thế nào?
Theo kết quả từ Tổng cục thống kê, trong giai đoạn 2022 - 2025, nguồn nhân lực trong lĩnh vực môi trường cần ít nhất là 50.000 người để khắc phục hậu quả nghiêm trọng của mặt trái ngành công nghiệp. Từ đó, Khoa học môi trường lọt top 8 ngành yêu cầu nhân lực cao nhất cùng với Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu và Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI.
Với một sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học môi trường, không khó để có thể tìm được một công việc khi mà cả thế giới hiện nay ngày càng coi trọng các vấn đề về môi trường. Bạn có thể trở thành nhà động vật học, nhà hoạt động môi trường, quản lý chất lượng nguồn nước, hoặc theo đuổi dự án của riêng mình. Hiện nay cũng có nhiều tổ chức phi chính phủ đưa ra các cơ hội việc làm như UNEP, WHO, hay CGIAR… Dù chọn khu vực công hay tư, bạn sẽ luôn được chào đón.
4- Sinh viên ngành Khoa học môi trường sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở các vị trí nào?
Để trở thành một nhà khoa học môi trường, bạn sẽ được làm việc với công việc có tính chất đa dạng. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể được làm việc tại các cơ quan phụ trách công tác quản lý môi trường như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Chi cục Quản lý môi trường biển và hải đảo, Công ty Môi trường đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố, thị xã, huyện… Đặc biệt nếu trình độ của bạn tốt có thể vào Thanh tra môi trường thuộc các cơ quan kiểm soát môi trường của nhà nước.Vô cùng thú vị hơn các ngành khác bạn có cơ hội du học cấp 100% học bổng của các nước có nền công nghiệp phát triển ngay từ khi là sinh viên năm thứ 3 của trường. Sau tốt nghiệp được nhận làm kỹ sư tại các nước phát triển đó.
Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo các vị trí công việc cụ thể như sau:
- Phụ trách công tác kiểm soát, quản lý môi trường, an toàn môi trường lao động, vận hành hệ thống xử lý chất thải tại các công ty, nhà máy sản xuất trong các khu công nghiệp, xí nghiệp, Ban quản lý khu công nghiệp.
- Chuyên gia môi trường tại các cơ sở, nhà máy xử lý chất thải, các công ty cung cấp nước, nhà máy xử lý và chế biến nước, khu đô thị, KCN, khu chế xuất, các công ty và tổ chức về môi trường.
- Chuyên gia môi trường tại các trung tâm phân tích, quan trắc môi trường.
- Các giám sát, tư vấn viên thuộc các tổ chức về môi trường trong và ngoài nước.
- Chuyên viên môi trường lao động và sức khỏe trực thuộc các công ty đa quốc gia
- Giảng dạy các môn học chuyên ngành Công nghệ môi trường tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề.
- Các cơ quan nghiên cứu về môi trường: Viện nghiên cứu, các trung tâm, các trường đại học...
- Quản trị các dự án về bảo vệ môi trường, quy hoạch môi trường, quan trắc chất lượng môi trường, đánh giá tác động môi trường...
- Các công ty tư vấn môi trường, thiết kế hệ thống xử lý chất thải, cung cấp dịch vụ môi trường
Sinh viên sau khi ra trường có thể tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn tại các đơn vị đào tạo sau đại học.
Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, nhiệm vụ chung của cả nhân loại là giữ gìn hành tinh xanh sạch đẹp, điều đó đòi hỏi sự hợp tác của loài người trên toàn cầu. Với những vấn đề về môi trường như hiện nay, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang ngày càng được quan tâm, ngành Khoa học môi trường chắc chắn sẽ là một ngành học phát triển với cơ hội nghề nghiệp ngày càng rộng mở với những ai thực sự say mê với lĩnh vực này.
Trên đây là những tin tức bổ ích được tôi tổng hợp để giải đáp thắc mắc cho câu hỏi “Ngành Khoa học môi trường là gì?”. Hy vọng qua nội dung bài viết này, các bạn sẽ có thêm cho mình kiến thức hiểu biết về ngành Khoa học môi trường. Dù các bạn là ai, có theo học ngành này hay không, hãy luôn nhớ rằng: Mỗi hành động chúng ta làm ngày hôm nay đều sẽ có một tác động nhất định đến cuộc sống tương lai. Do đó, để thế hệ kế tiếp có một môi trường sống yên bình, trong lành thì hãy hành động ngay từ bây giờ, từ những việc nhỏ nhất của chính chúng ta.
*** Tác giả: PGS.TS. Đỗ Thị Lan,
Hotline/Zalo: 0983640105; Website: environment.tuaf.edu.vn;